VIÊM PHẾ QUẢN VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Bệnh viêm phế quản là gì?

Viêm phế quản là bệnh về đường hô hấp dưới, liên quan đến tình trạng nhiễm trùng niêm mạc ống phế quản, từ đó dẫn đến các phản ứng viêm xảy ra tại đây. Những người bị viêm phế quản thường ho ra chất đờm dày.

Các chuyên gia phân loại bệnh viêm phế quản thành hai nhóm gồm:

  • Viêm khí phế mạc cấp tính (viêm phế quản cấp tính): tình trạng nhiễm trùng ngắn hạn làm cho đường hô hấp trong phổi sưng và đầy chất nhầy. Loại cấp tính thường kéo dài trong vài tuần;
  • Viêm phế quản mạn tính: loại này kích thích liên tục các ống phế quản. Bệnh có thể kéo dài hàng tháng hoặc nhiều năm. Viêm phế quản mãn tính nghiêm trọng hơn nhiều so với viêm phế quản cấp tính.

Bệnh viêm phế quản có nguy hiểm không?

Nếu không sớm được điều trị viêm phế quản hiệu quả, tình trạng sức khỏe này có thể để lại nhiều di chứng lâu dài nghiêm trọng. Trong đó, phổ biến nhất là bệnh viêm phế quản phổi, xảy ra khi vấn đề nhiễm trùng có xu hướng mở rộng phạm vi ảnh hưởng sang phổi. Lúc này, người bị viêm phế quản phổi sẽ gặp khó khăn trong việc hô hấp. 

Dấu hiệu và triệu chứng

Các triệu chứng bệnh viêm phế quản ở người lớn phổ biến gồm:

  • Ho kéo dài
  • Ho ra chất nhầy, có lẫn máu
  • Mệt mỏi
  • Khó thở
  • Sốt
  • Tức ngực

Bên cạnh đó, triệu chứng của bệnh viêm phế quản ở trẻ còn có thể có thêm một số biểu hiện như:

  • Khàn giọng
  • Chảy nước mũi nhiều
  • Nghẹt mũi
  • Phát ban
  • Đỏ mắt
  • Sưng hạch bạch huyết.

Nếu bị viêm phế quản cấp tính, bạn sẽ ho dai dẳng kéo dài trong vài tuần sau khi chứng viêm đã hết. Nếu bạn bị viêm phế quản mạn tính, có thể mất nhiều thời gian hơn trước khi bệnh trở nên tồi tệ. Vào những thời điểm đó, bạn sẽ có dấu hiệu và triệu chứng tương tự biểu hiện viêm phế quản cấp.

Cơ địa của mỗi người không giống nhau. Do đó, người bệnh, bao gồm cả trẻ bị viêm phế quản, đôi khi cũng có thể bộc lộ một số biểu hiện bất thường khác không giống với triệu chứng viêm phế quản được đề cập ở trên. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.

Nguyên nhân gây bệnh

Viêm phế quản cấp

Nguyên nhân viêm phế quản cấp thường xuất phát từ:

  • Nhiễm trùng, bao gồm vi khuẩn và các loại virus gây cảm lạnh hoặc cúm
  • Thường xuyên tiếp xúc với các chất kích thích phổi và phế quản, ví dụ như khói thuốc lá, khói, bụi từ các phương tiện giao thông…
  • Sinh sống hoặc làm việc trong môi trường ô nhiễm không khí

Viêm phế quản mạn

Trong khi đó, nguyên nhân viêm phế quản mãn tính chủ yếu là do tình trạng kích thích hoặc tổn thương phổi và phế quản lặp đi lặp lại liên tục. Bên cạnh những yếu tố tương tự nguyên nhân viêm phế quản cấp, tình trạng sức khỏe này còn có thể là hệ lụy của:

  • Yếu tố di truyền
  • Tiền sử mắc bệnh hô hấp hoặc trào ngược dạ dày thực quản(GERD)
  • Viêm phế quản cấp tái phát liên tục

Bên cạnh nguyên nhân viêm phế quản, các yếu tố sau cũng có nhiều khả năng góp phần dẫn đến vấn đề sức khỏe này. Chúng bao gồm:

  • Nghiện hút thuốc: là yếu tố hàng đầu gây tăng nguy cơ viêm phế quản người lớn
  • Sức đề kháng yếu: đây có thể là hệ quả của một bệnh lý khác, như cảm lạnh, làm cho các vi sinh vật gây bệnh có cơ hội tấn công phế quản
  • Tuổi tác: người cao tuổi, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy cơ mắc nhiễm trùng cao hơn so với người trưởng thành. 
  • Làm việc trong môi trường đầy chất kích thích phổi: tiếp xúc nhiều với cát, bụi hay hóa chất dạng khí sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản người lớn
  • Trào ngược dạ dày: thường xuyên bị trào ngược dạ dày góp phần khiến cổ họng dễ bị kích ứng, từ đó tạo điều kiện cho tình trạng viêm phế quản phát triển
  • Hen suyễn và dị ứng: những người có tiền sử hen suyễn hoặc dị ứng cũng rất dễ gặp phải vấn đề sức khỏe này

Điều trị viêm phế quản?

Nếu bạn bị viêm phế quản cấp tính, bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc giúp giảm các triệu chứng, bao gồm:

  • Kháng sinh: thực tế, nhóm thuốc này không đem lại lợi ích đáng kể trong việc chữa viêm phế quản, nhưng bác sĩ có thể chỉ định cho bạn để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn nếu khả năng kháng thuốc của bạn thấp
  • Thuốc ho: thường dùng trong điều trị viêm phế quản có dấu hiệu ho quá nhiều nhằm ngăn chặn rủi ro tổn thương cổ họng và phế quản của người bệnh, đồng thời khắc phục tình trạng mất ngủ do ho
  • Các loại thuốc khác: nếu bạn bị dị ứng, hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bác sĩ có thể chỉ định một ống thuốc hít và các thuốc khác để giúp giảm viêm và mở các đường hẹp trong phổi

Ngược lại, đối với trường hợp viêm phế quản mãn tính, bạn cần phải tiến hành phục hồi chức năng. Liệu pháp này thường là một chương trình tập thể dục được thiết kế phù hợp, giúp bạn thở dễ dàng hơn và tăng khả năng vận động.

 

 

Bài viết liên quan