NHỒI MÁU CƠ TIM
Theo thống kê từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, bệnh nhồi máu cơ tim là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới.
Nhồi máu cơ tim là gì?
Nhồi máu cơ tim là tình trạng tắc nghẽn hoàn toàn một hoặc nhiều nhánh động mạch vành khiến tế bào cơ tim chết đi do không được cấp máu và oxy nuôi dưỡng. Đây là biến cố tim mạch nghiêm trọng, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Thực tế, một cơn đau tim (nhồi máu cơ tim) có thể kéo dài trong nhiều giờ. Do đó, bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia ngay lập tức nếu nghi ngờ bản thân đang gặp phải tình trạng nguy hiểm này.
Triệu chứng & Dấu hiệu
Nhận biết dấu hiệu của bệnh nhồi máu cơ tim là gì?
Trong một số trường hợp, bệnh nhồi máu cơ tim có thể xảy ra đột ngột và dữ dội. Mặc dù vậy, theo bác sĩ, hầu hết trường hợp bệnh sẽ bắt đầu từ từ với cảm giác đau nhẹ ở ngực cùng một số triệu chứng khó chịu khác. Vì vậy, hãy chú ý đến biểu hiện khác thường của cơ thể và đến bệnh viện ngay lập tức nếu bạn cảm thấy:
Khó chịu ở ngực
Hầu hết người mắc bệnh nhồi máu cơ tim đều cảm thấy khó chịu ở vùng giữa ngực, bao gồm những cảm giác như đau, tức ngực hoặc có áp lực đè nặng lên đây. Tình trạng này có thể kéo dài vài phút hoặc xuất hiện rồi biến mất ngay lập tức nhưng lại nhanh chóng tái phát.
Khó chịu ở nửa thân trên
Cảm giác khó chịu ở ngực có thể nhanh chóng lan đến những bộ phận lân cận, bao gồm lưng, cổ, cánh tay, hàm hoặc thậm chí là dạ dày.
Khó thở, hụt hơi
Trong một số trường hợp, người bị nhồi máu cơ tim có thể không bộc lộ biểu hiện khó chịu ở ngực. Tuy vậy, triệu chứng khó thở, hụt hơi sẽ chắc chắn sẽ diễn ra.
Một vài triệu chứng nhồi máu cơ tim khác
Ngoài những biểu hiện trên, người bệnh còn có thể gặp phải một số dấu hiệu như:
- Toát mồ hôi lạnh
- Chóng mặt buồn nôn
- Lo âu, thấp thỏm
- Nhịp tim nhanh
Nguyên nhân gây bệnh nhồi máu cơ tim là gì?
Bệnh xảy ra khi mạch vành- còn đường cung cấp dưỡng chất, oxy chính cho tim bị lắng đọng cholesterol. Cholesterol tích tụ quá nhiều sẽ hình thành mảng bám trên thành động mạch và gây tắc nghẽn. Tình trạng này được gọi là xơ vữa động mạch.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính cắt đứt lưu lượng hồng cầu đến tim là sự phát triển của huyết khối trong động mạch khi các mảng bám trên vỡ ra, tổn thương mao mạch. Khi đó các tiểu cầu sẽ tích tụ lại đây để vá lại lỗ hổng và vô tình hình thành nên cục máu đông gây cản trở máu lưu thông.
Như vậy, có thể thấy bệnh nhồi máu cơ tim sẽ dễ dàng xảy ra nếu cơ thể tích tụ quá nhiều:
- Cholesterol “xấu”
- Chất béo bão hòa: có trong mỡ động vật và các sản phẩm làm từ sữa, bao gồm cả bơ hay phô mai
- Chất béo chuyển hóa: thường có trong những thực phẩm chế biến sẵn
Yếu tố làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim
Tuổi tác
Theo thống kê, rủi ro bệnh mạch vành phát sinh có thể tăng dần theo tuổi tác, cụ thể hơn:
- Đàn ông: sau 45 tuổi
- Phụ nữ: sau 55 tuổi
Bệnh sử gia đình
Yếu tố di truyền có thể liên quan đến bệnh nhồi máu cơ tim. Các chuyên gia cho rằng, nguy cơ mắc bệnh của một người sẽ tăng lên nếu có người thân trong gia đình từng bị bệnh tim mạch, đặc biệt khi:
- Đàn ông mắc bệnh trước 55 tuổi
- Phụ nữ mắc bệnh trước 65 tuổi
Béo phì
Tình trạng thừa cân hoặc béo phì có mối liên hệ mật thiết với hàng loạt vấn đề sức khỏe có khả năng làm tăng rủi ro mắc bệnh tim mạch, bao gồm:
- Cao huyết áp (tăng huyết áp)
- Tăng cholesterol và triglyceride
- Đái tháo đường
Tăng huyết áp
Chỉ số huyết áp trung bình của mỗi người phụ thuộc vào độ tuổi của họ. Cụ thể hơn, ở người trưởng thành, chỉ số đo huyết áp thường không quá 120/80mmHg. Nếu kết quả đo vượt qua con số này, bạn có thể đang bị tăng huyết áp.
Theo các chuyên gia, tăng huyết áp là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hàng loạt các bệnh tim mạch và mạch vành, bao gồm cả nhồi máu cơ tim.
Tăng cholesterol
Thông thường, tình trạng tăng cholesterol chủ yếu đề cập đến chỉ số cholesterol “xấu” (LDL) quá cao. Sự tích tụ của hợp chất này dễ dàng hình thành các mảng bám trên thành động mạch vành, gây tắc nghẽn lưu lượng máu và dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Tăng triglyceride
Triglyceride là sản phẩm chuyển hóa của các chất béo trong cơ thể. Do đó, nồng độ chúng quá cao cũng sẽ góp phần thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch vành xảy ra.
Đái tháo đường (tiểu đường)
Theo bác sĩ, người bị bệnh tiểu đường có rủi ro cao mắc bệnh mạch vành. Nguyên nhân là do lượng đường trong máu quá cao có thể làm tổn thương các mao mạch, bao gồm cả động mạch vành. Từ đó, huyết khối sẽ hình thành, gây tắc nghẽn máu lưu thông đến tim.
Một số yếu tố khác
Những thói quen xấu dưới đây có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim ở một người, chẳng hạn như:
- Thường xuyên hút thuốc lá
- Lười vận động
- Hay gặp căng thẳng
- Lạm dụng chất kích thích như amphetamine hoặc cocaine
- Chế độ ăn uống nhiều chất béo, không khoa học
Ngoài ra, người đã từng làm phẫu thuật tim hoặc có tiền sử bị tiền sản giật, tăng huyết áp thai kỳ và đang nhiễm HIV cũng có rủi ro cao gặp phải vấn đề này.
Thuốc điều trị nhồi máu cơ tim
Phác đồ điều trị nhồi máu cơ tim không chỉ bao gồm những thủ thuật trên mà còn có cả thuốc. Hầu hết toa thuốc của người bệnh sẽ có những loại như sau:
- Thuốc chống đông máu
- Chất chống kết tập tiểu cầu
- Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE)
- Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II
- Thuốc ức chế thụ thể angiotensin neprilysin
- Thuốc chẹn beta giao cảm
- Thuốc chẹn kênh canxi
- Thuốc statin và một số loại tương tự có khả năng giảm hàm lượng cholesterol trong cơ thể
- Thuốc lợi tiểu
- Thuốc làm giãn mạch máu