Dược liệu là gì? Thuốc từ dược liệu và phương pháp điều trị thay thế

Dược liệu là gì? Thuốc từ dược liệu là gì? Liệu bạn đã hiểu đầy đủ về các tên gọi thân quen này và biết cách sử dụng các loại dược liệu hiệu quả?

Từ cổ xưa, con người đã biết cách dùng các loại cây, động vật hay những thứ trong tự nhiên để làm thuốc phòng và chữa trị bệnh. Theo thời gian tồn tại và phát triển của nhân loại, những kinh nghiệm này được lưu truyền, chọn lọc và nghiên cứu kỹ càng hơn. Đặc biệt ở các nước phương Đông trong đó có Việt Nam, dược liệu học trở thành một phần quan trọng trong nền Y học cổ truyền từ xưa đến nay.

Để tìm hiểu kỹ hơn về những thông tin thú vị và hữu ích xung quanh dược liệu, mời bạn đọc tiếp bài viết sau đây.

Dược liệu là gì? Thuốc từ dược liệu là gì?

Dược liệu bao gồm các nguyên liệu thô hay qua chế biến được dùng làm thuốc/ vị thuốc có nguồn gốc từ tự nhiên từ thực vật, động vật, khoáng vật và đạt tiêu chuẩn làm thuốc. Chúng có thể được sử dụng theo lý luận của Y học cổ truyền để tạo thành các phương thuốc, bài thuốc có công dụng chữa trị, phòng ngừa bệnh. Hiện đại hơn, dược liệu được nghiên cứu, đánh giá để bào chế thành thuốc hay thực phẩm chức năng với dạng bào chế mới như viên nén, viên nang, thuốc tiêm…

Như vậy, thuốc từ dược liệu là thuốc được sản xuất từ nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên từ thực vật, động vật hoặc khoáng chất. Những thuốc có hoạt chất tinh khiết chiết xuất từ dược liệu hay kết hợp dược liệu với các hoạt chất hóa chất tổng hợp thì không được gọi là thuốc từ dược liệu. Các thuốc này có dạng bào chế hiện đại và được sử dụng bên cạnh các thuốc tân dược (thuốc Tây) trong điều trị, phòng ngừa bệnh.

Bạn cũng cần phân biệt với một khái niệm khác là thuốc Đông y – thuốc từ dược liệu nhưng được bào chế theo lý luận và phương pháp của y học cổ truyền ở các nước phương Đông. Các thuốc này thường ở dạng thuốc thang, thuốc hoàn, tán… Cùng với các phương pháp chữa trị khác, nền y học cổ truyền hiện nay phát triển song song như một phương pháp điều trị hỗ trợ và thay thế (y học thay thế) cho phương pháp điều trị thông thường.

Những nguồn dược liệu chính

Y học cổ truyền ở Việt Nam đã tồn tại từ rất lâu gắn liền với các kinh nghiệm dân gian, bài thuốc sử dụng các cây, con vật hay khoáng vật (dược liệu) để phòng và chữa bệnh. Các nguồn nguyên liệu tự nhiên được sử dụng làm dược liệu bao gồm:

 
  • Thảo dược: là nguồn nguyên liệu chủ yếu và phổ biến trong các bài thuốc cổ truyền cũng như được nghiên cứu, chiết xuất, bào chế thành thuốc. Ví dụ, từ thời vua Hùng, ông cha ta đã biết dùng cây cỏ làm thực phẩm và làm thuốc như dùng nước vối, gừng để trợ tiêu hóa, chống cảm lạnh, dùng hạt cây sử quân tử để trị giun… Ngày nay, một số dược liệu nổi tiếng được nghiên cứu nhiều về dược tính đã được ứng dụng điều chế thành thuốc với dạng bào chế hiện đại như kim tiền thảo, cà gai leo… Không những thế, một chất có hoạt tính sinh học mới cũng được tìm thấy từ thực vật như atropin, ephedrine, morphine, cafein, axit salicylic, digoxin, colchicin…
  • Động vật: cũng góp phần tạo nên vị thuốc cần thiết trong một số phương thuốc điều trị bệnh lý thường gặp. Nguyên liệu dùng làm thuốc có nguồn gốc từ động vật có thể là cả con (tắc kè, rắn…) hoặc sản phẩm hay một bộ phận của động vật (như mật ong, sữa ong chúa, mề gà…).
  • Nấm, ký sinh trùng hay các vi sinh vật: dù ít gặp nhưng đây cũng là nguồn dược liệu mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Một ví dụ khá thân quen về dạng ký sinh được dùng làm thuốc chính là Đông trùng hạ thảo – dạng ký sinh giữa loài bướm thuộc chi Thitarodes và loại nấm Ophiocordyceps sinensis. Vi sinh vật thì có khả năng tự tổng hợp, chuyển đổi những chất thông thường thành dạng có hoạt tính sinh học, chẳng hạn như quá trình lên men.

Các cách sử dụng dược liệu là gì?

Mỗi loại dược liệu sẽ có một hoặc nhiều cách sử dụng khác nhau để phát huy hết tác dụng và mang đến hiệu quả như mong muốn. Các cách chế biến, bào chế dược liệu cũng được phát triển theo thời gian để vừa tiện lợi khi dùng vừa đảm bảo công dụng của chúng. Các dạng dùng thường thấy hiện nay là trà túi lọc, dược liệu thô, chiết xuất dược liệu (như cồn thuốc, rượu thuốc, tinh dầu). Trường hợp thuốc từ dược liệu sẽ được bào chế theo kỹ thuật tân tiến và cho ra dạng dùng như thuốc tân dược, gồm viên nén, viên nang, thuốc tiêm, dung dịch/ hỗn dịch uống…

Bạn có thể sử dụng dược liệu theo các cách thức chế biến trong y học cổ truyền như:

  • Hãm trà hay sắc lấy nước uống
  • Sao (rang), có thể sao vàng, sao đen tùy dược liệu
  • Chưng hay đồ (đun cách thủy)
  • Ngâm rượu

Việc sử dụng đúng cách dược liệu thường cần rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm. Do đó, bạn nên tham khảo ý kiến từ những thầy thuốc y học cổ truyền đã được đào tạo, có chứng chỉ công nhận trước khi muốn sử dụng bất kỳ vị thuốc, phương thuốc nào.

Khi sử dụng thuốc từ dược liệu, bạn sẽ dùng giống như thuốc tân dược với liều lượng đúng theo khuyến cáo từ nhà sản xuất hay chỉ định của bác sĩ.

Những lưu ý khi sử dụng dược liệu

Khi muốn sử dụng dược liệu làm thuốc, bước đầu tiên cần làm là thu hái cần tuân theo nguyên tắc “3 đúng”:

  • Đúng dược liệu (đúng tên, đúng loài)
  • Đúng bộ phận dùng vì không phải bộ phận nào cũng được sử dụng làm thuốc
  • Đúng thời điểm để hàm lượng hoạt chất trong dược liệu cao nhất có thể

Tiếp đó, công đoạn sơ chế, chế biến cũng rất quan trọng để đảm bảo dược liệu không bị mất đi hoạt chất có tác dụng và có thể bảo quản lâu.

Người dùng khi mua dược liệu về sử dụng cần tìm hiểu những cơ sở uy tín và học cách phân biệt, đánh giá để tránh mua phải sản phẩm giả, kém chất lượng. Ngoài ra, bạn cũng không nên tự ý sử dụng dược liệu tùy tiện mà cần phải được chẩn đoán đúng bệnh, đúng liều để tránh “rước họa vào thân”.

Điều trị bệnh bằng cách kết hợp Đông – Tây y một cách khoa học, hợp lý có thể mang lại hiệu quả tốt. Do đó, bên cạnh các phương pháp điều trị thông thường, người bệnh hoàn toàn có thể hỏi ý kiến bác sĩ để áp dụng thêm các phương pháp điều trị hỗ trợ và thay thế (bao gồm sử dụng dược liệu, châm cứu, massage, trị liệu tâm lý…). Hy vọng với những thông tin trên, bạn đã hiểu rõ dược liệu là gì và vai trò của chúng trong điều trị, phòng ngừa bệnh.

Bài viết liên quan